Lượt xem: 1088

Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng nấm rơm

Hàng chục năm qua, bà con nông dân trên địa bàn xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa để trồng nấm rơm. Việc dùng rơm rạ trồng nấm ngày càng phát triển, nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa, sản lượng rơm thu gom được số lượng nhiều. Từ nguồn rơm rạ có sẵn sau thu hoạch lúa, hộ dân đã sử dụng nguồn rơm rạ trên để trồng nấm theo mùa vụ, thậm chí có hộ vừa dùng nguồn rơm có sẵn tại hộ, vừa mua thêm rơm bên ngoài để đảm bảo có thu hoạch liên tục cung ứng ra thị trường mỗi ngày, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

 


Ông Lê Văn Đây, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú đang tưới nước cho nấm rơm được trồng ngay phía trước khuôn viên nhà. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Trên địa bàn ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú có rất nhiều hộ dân gắn bó với nghề trồng nấm rơm, tạo thành “xóm trồng nấm rơm” hàng chục năm qua, đem lại đời sống ấm no, sung túc cho hộ.

    Ông Lê Văn Đây, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước bộc bạch: Tôi trồng nấm rơm hơn 20 năm qua, thời điểm năm 2003 việc trồng nấm rơm của gia đình tôi chủ yếu theo mùa vụ lúa, bởi đợi đến lúa thu hoạch xong mới tận dụng lượng rơm đó để trồng nấm, nhưng sản lượng nấm sau thu hoạch không nhiều, do lúa thu hoạch bằng phương pháp thủ công, lượng rơm thu được hạn chế. Tuy nhiên, kể từ ngày có máy gặt đập liên hợp thì nguồn rơm sau thu hoạch lúa dồi dào, với 6,5 ha đất canh tác lúa lượng rơm thu về là 800 cuộn/vụ (1 năm canh tác 2 vụ lúa, thu về 1.600 cuộn rơm). Ngoài số cuộn rơm từ thu hoạch lúa của gia đình có sẵn, tôi mua thêm rơm của thương lái chở đến tận nhà để trồng nấm. Mỗi đợt trồng nấm số lượng rơm cuộn cần có là 2.000 cuộn. Số rơm cuộn đó được dùng trồng nấm liên tiếp nhau theo hình thức quanh năm, cứ hết cuộn rơm này sẽ đến cuộn rơm khác, nhằm đảm bảo số lượng nấm cung ứng ra thị trường từ 150 - 250 kg/ngày. Với số lượng rơm sử dụng hàng ngàn cuộn/năm, sản lượng nấm rơm thu về hơn 10 tấn/năm, giá bán nấm dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

    “Nấm rơm vụ mùa thuận từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, vào thời điểm mùa thuận việc trồng nấm rất thuận lợi, nhưng giá bán không tốt bằng vụ nấm trồng mùa nghịch, từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch của năm sau. Thời gian trồng nấm rơm ngắn, từ lúc ủ rơm đến thu hái nấm là 15 ngày và nấm thu hoạch mỗi ngày, kéo dài trong vòng 10 - 15 ngày sẽ kết thúc vụ trồng nấm (25 - 30 ngày). So với trồng các loại rau màu khác, thì trồng nấm rơm cho thu nhập tốt hơn, vì nhẹ chi phí đầu tư, nhẹ công chăm sóc, chỉ cực công vài ngày trong khoảng thời gian chất rơm tạo thành dòng ủ nấm. Xong công đoạn chất rơm, rải meo thì đã xong công việc chỉ còn chờ đến ngày thu hoạch nấm. Nấm trồng vụ thuận không cần phải tưới nước, còn trồng vụ nghịch tưới nước 1 ngày/lần. Bên cạnh đó, để nấm đạt năng suất thì cần phải lựa chọn meo giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rơm cuộn phải đảm bảo an toàn không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật” -  ông Lê Văn Đây chia sẻ thêm.


Dùng khoảng sân trước nhà ông Lê Minh Hùng, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, phát triển mô hình trồng nấm rơm tại hộ, sau mỗi mùa vụ thu hoạch lúa. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Cũng là hộ trồng nấm rơm, ông Lê Minh Hùng, ấp Phước Trường A, xã Mỹ Phước huyện Mỹ Tú, chia sẻ: “Nấm rơm là sản phẩm chế biến được đa dạng các món ăn, đặc biệt nấm rất tốt cho sức khỏe con người, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng; đầu ra của nấm rất ổn định, giá bán nấm tốt đảm bảo lợi nhuận cho hộ trồng nấm. Chính vì vậy, tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch 10 ha lúa của gia đình, với 2 vụ lúa/năm tôi đã trồng nấm rơm gần 20 năm. Thông thường kết thúc vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu nguồn rơm thu về tôi sẽ dùng toàn bộ số rơm cuộn được trồng nấm. Theo tính toán, số lượng rơm cuộn được dùng trong trồng nấm, sau mỗi vụ thu hoạch lúa là 1.000 cuộn rơm, với lượng rơm đã dùng trồng nấm nêu trên, sau thu hoạch nấm tôi bán được số tiền hơn 40 triệu đồng. Qua trồng 2 vụ nấm rơm/năm, số tiền lợi nhuận gia đình tôi thu về từ tiền bán nấm được 100 triệu đồng”.

    Đồng chí Võ Văn Bé - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thông tin: “Nghề trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kép, thứ nhất tạo thu nhập cho bà con nông dân, thứ hai là tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp. Ngoài ra, sau khi thu hoạch nấm xong, rơm mục sẽ được dùng làm phân bón cho các loại cây trồng, hoa kiểng. Việc trồng nấm rơm không chỉ mang về lợi ích kinh tế cho bà con nông dân mà còn giải quyết việc làm, đặc biệt là hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, giảm khí phát thải nhà kính. Tới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình trồng nấm rơm trên địa bàn tỉnh, để bà con nông dân học hỏi phát triển mô hình trồng nấm tại hộ, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình vào lúc nhàn rỗi sau khi đã thu hoạch lúa xong”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 53
  • Hôm nay: 7326
  • Trong tuần: 78,033
  • Tất cả: 11,801,353